
Các doanh nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về sự chuyển đổi trong phương thức sản xuất kinh doanh và tổ chức kênh phân phối, từ những mô hình kinh doanh truyền thống sang trực tuyến, từ việc tập trung vào chất lượng và kiểu dáng sản phẩm sang những sản phẩm thông minh và cung cấp sự trải nghiệm cho khách hàng. Ngày nay để bán được hàng, hoặc doanh nghiệp phải bán sự phổ cập, hoặc phải bán một trải nghiệm khác biệt.
Công nghệ và đổi mới dịch vụ là những yếu tố quyết định, dẫn dắt tính sáng tạo ở sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Chúng làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các công ty hướng công nghệ và dịch vụ sáng tạo, cũng như sắp xếp lại trật tự thị trường. Bên cạnh đấy, dịch vụ hoá diễn ra ở tất cả các hoạt động, các bộ phận của doanh nghiệp, từ sản xuất, bán hàng, tài chính, truyền thông, nhân sự đến chăm sóc khách hàng.
Các dịch vụ thuê ngoài được doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều giúp tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tốc độ triển khai, cho phép doanh nghiệp có thể tập trung các nguồn lực vào những giá trị cốt lõi của mình, qua đấy nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nó cũng được xem như là những phải pháp để tăng cường tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tính chuyên môn hoá ngày càng cao trong nền kinh tế.
Ở góc độ vĩ mô của nền kinh tế, lịch sử đã có nhiều thay đổi, những mô hình phát triển kinh tế trong những thế kỷ trước với việc lấy công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng làm trung tâm cho sự phát triển đất nước giờ đã bị lỗi thời trong thế kỷ 21 mà ở đấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đặc trưng bởi việc sử dụng hệ thống vật lý không gian mạng, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh, đổi mới dịch vụ và đặc biệt là dịch vụ hoá sẽ cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Xu hướng dịch vụ hóa toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức đòi hỏi Việt Nam sớm dịch chuyển mô hình kinh tế từ việc chỉ xem các ngành dịch vụ, công nghệ như là những ngành phụ trợ cho công nghiệp, chế biến, sản xuất như hiện nay sang lấy dịch vụ và công nghệ làm chiến lược phát triển đất nước. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn, bao gồm: công nghiệp du lịch, thương mại vận tải quốc tế, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, giáo dục.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp dịch vụ trọng điểm nói trên trong chiến lược phát triển nền kinh tế hướng dịch vụ và công nghệ của Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tất cả các ngành nghề và lĩnh vực khác trong xã hội như cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn bán lẻ, dịch vụ sức khỏe, dịch vụ công.v.v
Nền kinh tế hướng dịch vụ | Nguồn: shutterstock
Sự phát triển của các ngành công nghiệp dịch vụ cũng đồng nghĩa với việc tạo sức ép lên sự chuyển đổi trong nông nghiệp và công nghiệp ở Việt Nam vốn còn nhiều hạn chế. Xu hướng dịch vụ hóa trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp như một hệ quả tất yếu của một nền kinh tế hướng dịch vụ và công nghệ.
Diễn ra ở tất cả các mắc xích của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các công ty sản xuất trong công nghiệp dần phân hóa và chuyên môn hóa ở một mắc xích cụ thể trong chuỗi cung ứng, sản xuất công nghiệp. Thay vì các công ty sản xuất công nghiệp làm từ A đến Z từ thu mua nguyên vật liệu, sản xuất, đến phân phối, làm thương hiệu cho một sản phẩm bán ra trên thị trường, thì giờ đây họ sẽ làm việc với các công ty chuyên thu mua, công ty chuyên về sản xuất linh phụ kiện (ngành công nghiệp phụ trợ), công ty chuyên lắp ráp, gia công, công ty chuyên logistics, công ty chuyên phân phối, thương mại, công ty chuyên truyền thông, .v.v. mỗi khâu đều có những công ty chuyên cung cấp các dịch vụ trong công nghiệp.
Nhà sản xuất giờ đây quan trọng nhất là có ý tưởng, nắm công nghệ, kiểu dáng thiết kế, và quản trị chất lượng cho các dịch vụ thuê ngoài phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp nổi tiếng ngày nay từ ôtô, các mặt hàng điện tử gia dụng, đến những chiếc điện thoại mà bạn đang sử dụng đều được sản xuất vận hành theo mô hình đấy.
Nông nghiệp chuyển đổi sang mô hình chuyên môn hóa và dịch vụ hóa ở tất cả các khâu, người nông dân trở thành chủ đất, nghệ nhân, các khâu canh tác, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói bao bì được thực hiện bởi các công ty dịch vụ chuyên sản xuất trong nông nghiệp (sản xuất tập trung và sản xuất quy mô lớn với máy móc và công nghệ), cũng như phân phối, bán ra, làm thương hiệu trên thị trường được thực hiện bởi các công ty chuyên thương mại.
Đấy là mô hình ngành nông nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển. Pháp là một ví dụ, với nền nông nghiệp phát triển, chỉ 4% lực lượng lao động làm trong ngành nông nghiệp nhưng không những đủ cung cấp cho nhu cầu lương thực thực phẩm trong nước mà Pháp còn là quốc gia có nền nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước trong khu vực nhưng cần chuyển đổi mô hình nhanh chóng để nâng cao hiệu suất cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Dịch vụ hoá và chuyên môn hoá trong nông nghiệp | Nguồn: vietphapaau.com
Không có bình luận
Vạn Lộc